Không khí ô nhiễm, môi trường làm việc bụi bẩn tiềm ẩn nguy cơ bệnh bụi phổi. Việc trang bị những kiến thức khoa học về dấu hiệu bệnh và phương pháp điều trị hiệu quả giúp người bệnh sớm nhận biết, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Trong số những bệnh nghề nghiệp, bụi phổi chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó có Việt Nam. Nếu được trang bị kiến thức về dấu hiệu bệnh và phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp người bệnh điều trị nhanh và hiệu quả hơn.
Bệnh bụi phổi là gì?

Bệnh bụi phổi là tình trạng tích tụ bụi bẩn trong nhiều năm trong phổi và tiến triển thành bệnh. Đây cũng là một trong nhóm bệnh lý phổi kẽ do hít phải một số loại bụi làm tổn thương phổi. Khi phổi của người bệnh không thể loại bỏ tất cả các hạt bụi này sẽ dẫn đến tình trạng viêm phổi, có thể gây ra các mô sẹo.
Bệnh cũng gây tổn thương các mạch máu và túi khí trong phổi, khiến các mô bao quanh túi khí và đường dẫn khí trở nên dày hơn, cứng hơn. Tình trạng này được gọi là bệnh phổi kẽ, lúc này người bệnh có thể gặp các triệu chứng khó thở nặng hơn.
Bệnh có thể xuất hiện ở dạng đơn giản hoặc phức tạp. Ở trường hợp đơn giản, trên phim X-quang có thể xuất hiện các mô sẹo nhỏ dưới dạng các vòng tròn và dày lên, còn được gọi là nốt sần. Trường hợp bệnh tiến triển phức tạp, gây biến chứng, phổi có rất nhiều sẹo được gọi là bệnh xơ phổi.
Nguyên nhân khiến bụi vào phổi
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bụi trong phổi là do người bệnh tiếp xúc với những vật liệu có khả năng tán thành những hạt rất nhỏ và xâm nhập vào phổi. Có rất nhiều loại bụi, trong đó thường gặp nhất là amiăng, bụi than và phổ biến nhất là silic.Silic được tìm thấy trong cát, sa thạch, granite, đá phiến, kim loại và quặng than. Bệnh bụi phổi silic thường hình thành và tiến triển chậm, thường xảy ra sau khoảng 5-10 năm người bệnh tiếp xúc với loại bụi này.
Các triệu chứng thường gặp
Các dấu hiệu điển hình khi đánh giá bệnh nhân bao gồm: Ho, hụt hơi, tức ngực. Chụp X-quang ngực có thể cho thấy thâm nhiễm mô kẽ từng mảng, dưới màng phổi, hai đáy hoặc các nang phóng xạ nhỏ gọi là tổ ong, đặc biệt ở bệnh tiến triển.
Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nhanh chỉ sau một thời gian ngắn người bệnh hít một lượng lớn bụi vào phổi, đặc biệt là bụi silic. Bệnh tiến triển nặng có thể dẫn đến suy phổi, suy thoái các cơ quan nội tạng, tàn phế và nguy cơ đe dọa tính mạng. Bệnh bụi phổi có triệu chứng khác nhau tùy theo tác nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Người bệnh có thể không có triệu chứng gì, hoặc có triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng thường gặp nhất là:
- Ho khan hoặc ho khạc đờm đen;
- Có thể ho ra máu vào buổi sáng;
- Cảm giác đau nhói ở ngực, tức ngực;
- Khó thở, hụt hơi.
- Biến chứng nguy hiểm khi bụi vào phổi
Nếu tình trạng bụi vào bên trong phổi không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Ngay cả khi người bệnh đã được điều trị nhưng không được chăm sóc tốt, không phòng ngừa các nguy cơ làm bệnh tái phát vẫn có thể gây biến chứng như: Viêm phế quản mãn tính; Suy hô hấp; Áp xe phổi, Ung thư phổi; Bệnh lao phổi; Suy tim do áp lực từ bên trong phổi.
Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả khi có các triệu chứng khó thở, ho dai dẳng kéo dài, ho khan hoặc ho có đờm đen. Thêm vào đó, nếu người bệnh nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được tầm soát, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Để giảm khả năng phát triển bệnh bụi phổi, những người làm việc trong các ngành bị ảnh hưởng nên đeo khẩu trang, rửa vùng da tiếp xúc với bụi, loại bỏ bụi khỏi quần áo và rửa mặt, rửa tay trước khi ăn hoặc uống.
Nếu cần tư vấn thêm hoặc đặt lịch thăm khám bạn có thể gọi tới tổng đài 1900 2838 hoặc 0965 98 37 73 để được hỗ trợ tư vấn hoàn toàn miễn phí.