Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm, là một bệnh mạn tính gây viêm đỏ và kích ứng da. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và cả ở người trưởng thành. Bệnh viêm da cơ địa không có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh. Hầu hết trẻ sơ sinh mắc bệnh đều sẽ tự khỏi bệnh trước khi 5 tuổi, cũng có những trường hợp bệnh tái đi tái lại suốt cuộc đời.
Biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một bệnh da liễu mãn tính, thường gây ra tình trạng da bị kích ứng, ngứa ngáy, bong tróc. Người mắc bệnh thường có xu hướng gãi liên tục, làm da bị trầy xước, chảy dịch trong suốt, sau đó đóng vảy và bong tróc. Các vùng da bị ngứa có thể dày lên và trở nên cứng hơn do gãi nhiều.
Trong suốt một năm, bệnh nhân có thể trải qua nhiều đợt bùng phát ngứa dữ dội, xen kẽ với những giai đoạn da bớt ngứa và dần lành lại. Triệu chứng có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau, bao gồm cả những vùng da khỏe mạnh. Sau mỗi đợt bệnh, vùng da bị ảnh hưởng có thể thay đổi màu sắc, thường trở nên sẫm hơn hoặc sáng hơn so với vùng da xung quanh.

Viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm, là một bệnh mạn tính gây viêm đỏ và kích ứng da
Bệnh viêm da cơ địa có lây không?
Một trong những câu hỏi thường gặp là liệu viêm da cơ địa có lây không. Khác với các bệnh truyền nhiễm, viêm da cơ địa không lây lan qua tiếp xúc. Điều này có nghĩa là khi tiếp xúc với người bệnh, hoặc chạm vào dịch từ mụn nước hay vết thương hở, bạn không bị lây viêm da cơ địa.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa
Hiện nay, khoa học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân cụ thể gây ra viêm da cơ địa, nhưng có một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh viêm da cơ địa, bạn có nguy cơ cao bị bệnh.
Hệ miễn dịch: Một số trường hợp hệ miễn dịch hoạt động quá mức, tấn công các tế bào da khỏe mạnh, gây viêm da cơ địa.
Môi trường sống: Những yếu tố như khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm, hương liệu trong mỹ phẩm, hóa chất, hoặc thay đổi thời tiết đều có thể kích thích bệnh bùng phát.
Phương pháp điều trị viêm da cơ địa
Hiện nay, viêm da cơ địa chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu nhằm vào các mục tiêu sau:
Giảm tình trạng khô da.
Ngăn chặn các đợt bùng phát mới.
Giảm ngứa.
Làm lành tổn thương do gãi.
Ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cách kiểm soát viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu hoặc thậm chí ung thư da. Để hạn chế nguy cơ này, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp:
Tránh các tác nhân gây dị ứng: Thực phẩm dễ gây dị ứng, nấm mốc, hóa chất, hoặc lông động vật có thể làm bệnh nặng hơn. Bạn nên thực hiện các xét nghiệm để biết mình dị ứng với những yếu tố nào.
Dưỡng ẩm da thường xuyên: Nên sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa hương liệu sau khi tắm và nhiều lần trong ngày để giúp da không bị khô.
Hạn chế gãi: Cắt ngắn móng tay, mặc quần áo rộng và vải mềm để tránh trầy xước da.
Tắm bằng nước mát: Tránh dùng nước nóng vì có thể làm da khô hơn, sử dụng sữa tắm nhẹ nhàng, không chứa chất tạo mùi.
Giữ sức khỏe: Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Sử dụng thuốc theo chỉ định: Các loại kem bôi chứa corticoid có thể giúp giảm ngứa, nhưng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
Nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng như da rỉ mủ vàng, vết lở loét, đau nhức hoặc sốt cao, bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Liên hệ ngay hotline 1900 28 38 – 0965 98 37 73 để được tư vấn và đặt lịch khám sớm nhất.
————-
BỆNH VIỆN ĐA KHOA AN VIỆT
Địa chỉ: 1E Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 1900 28 38 – 0965 98 37 73
Website: www.benhvienanviet.com
Fanpage: https://www.facebook.com/benhvienanviet
Tải APP Bệnh viện An Việt để “Tra cứu kết quả – Đặt lịch khám với bác sĩ” và hơn thế nữa : https://onelink.to/pjmasd