Tham vấn y khoa bởi BSCK II Phạm Mạnh Thân
Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng, khởi phát với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp thông thường. Bệnh diễn tiến nhanh chóng, nguy cơ cao xuất hiện biến chứng, dẫn đến tử vong. Nhận biết sớm triệu chứng viêm phổi ở trẻ em giúp ba mẹ bảo vệ trẻ trước sự nguy hiểm của bệnh lý này.
1. Viêm phổi ở trẻ là gì?
Viêm phổi ở trẻ là một bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh do các tác nhân nhiễm trùng gây nên các kích thích, phản ứng tổn hại nhu mô phổi. Khi khỏe mạnh, các phế nang của phổi sẽ chứa không khí nhưng khi bị viêm phổi, các phế nang này bị viêm nhiễm, chứa đầy mủ và dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Ước tính tại các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng 150 triệu trẻ bị viêm phổi, trong đó có đến 11 triệu trẻ phải nhập viện điều trị tích cực. Mỗi năm, trên thế giới có hơn 725.000 trẻ tử vong do viêm phổi, tức trung bình cứ 43 giây sẽ có ít nhất 1 bệnh nhi tử vong do viêm phổi.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia có nhiều trẻ mắc bệnh viêm phổi nhiều nhất trên thế giới. Thống kê mỗi năm nước ta có khoảng 2.9 triệu lượt trẻ bị viêm phổi và có khoảng 4.000 trẻ tử vong do bệnh lý này. Do đó, chủ động phòng ngừa và trang bị kiến thức về viêm phổi là “chìa khóa” quan trọng giúp bảo vệ con khỏi viêm phổi.
Tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị mắc viêm phổi thuộc top cao trên thế giới2. Nguyên nhân và triệu chứng viêm phổi ở trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi, trong đó thường gặp là: Viêm phổi thể do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất,…
Trẻ trên 5 tuổi thường gặp viêm phổi do các loại vi khuẩn không điển hình như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae, phế cầu, các loại siêu vi hô hấp.
Trẻ dưới 5 tuổi thường gặp viêm phổi do vi khuẩn: Phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB. HiB trước đây là một tác nhân quan trọng gây ra viêm phổi ở trẻ, nhưng sau này do có chương trình tiêm ngừa nên tác nhân này hiện không đáng kể.
Trẻ dưới 2 tháng tuổi thì ngoài các vi khuẩn như của trẻ dưới 5 tuổi còn có thể gặp một số vi khuẩn đường ruột như: E.Coli, Proteus,… do mẹ truyền qua.
Hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đẻ non, trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, trẻ em ở các nước nghèo, điều kiện kinh tế, vệ sinh, chăm sóc y tế kém. Trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá ở người lớn. Tuổi đi học mẫu giáo hay nhà trẻ, nơi đông người,… là những đối tượng trẻ có tỷ lệ mắc viêm phổi cao.
3. Triệu chứng viêm phổi
Khi thấy trẻ có các triệu chứng viêm phổi dưới đây các phụ huynh nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để có hướng điều trị kịp thời.
Ho vừa đến nặng, thường là ho nặng tiếng, nhưng cũng không nhất thiết như vậy.
Thở nhanh liên tục (khác với biểu hiện thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao).
Trẻ được coi là thở nhanh nếu thở trên 60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút (đối với trẻ từ 2 tháng- 1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (với trẻ trên 1 tuổi).
Đếm nhịp thở khi trẻ đang nằm yên và không hoạt động gắng sức. Dùng đồng hồ có kim giây để đếm trong vòng 1 phút.
Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (vị trí phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.
Thở nhanh và thở gắng sức là phản ứng bù trừ nhưng cơ thể trẻ không thể cố gắng mãi. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở.
Sốt vừa đến sốt cao nhưng đôi khi không có ở trẻ có hệ miễn dịch yếu
Đau ngực trong lúc ho và cả giữa các cơn ho.
Nôn không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.
Tím tái quanh môi và ở mặt do trẻ bị thiếu oxy.
Thở rít, mặc dù thở rít thường là biểu hiện của nhiễm virus nhiều hơn nhưng đôi khi đây cũng là biểu hiện của viêm phổi.
Nếu trẻ có một vài trong các triệu chứng trên thì nhiều khả năng trẻ đã bị viêm phổi. Quan trọng nhất là ba triệu chứng ho, sốt và thở nhanh hay thở gắng sức.
Trẻ bị viêm phổi cần được tham khám và điều trị kip thời4. Cách phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi là bệnh hô hấp nguy hiểm, thường gặp ở trẻ em với tỷ lệ gây biến chứng, tử vong cao.
Do đó, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi cho trẻ.
• Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt vacxin phòng bệnh hô hấp: Mặc dù viêm phổi có thể gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau và hiện vẫn chưa có đầy đủ vacxin phòng ngừa tất cả các tác nhân này nhưng hiện đã có vacxin phòng một số tác nhân như vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis, vi khuẩn Haemophilus influenzae type B, vi khuẩn phế cầu, cúm mùa, virus sởi,… Tiêm phòng vacxin giúp tăng đề kháng và miễn dịch cho trẻ, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh. Trường hợp trẻ mắc bệnh, diễn tiến bệnh chậm và ít nguy hiểm, gây biến chứng hơn so với trẻ chưa được tiêm phòng.
• Tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh: Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người, đặc biệt là khi có dịch bệnh. Trường hợp bắt buộc ra ngoài, trẻ cần được đeo khẩu trang kháng khuẩn. Tránh để trẻ tiếp xúc với những người đang nhiễm bệnh hoặc có các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng,… Ngoài ra, tránh để trẻ hít phải khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá.
• Đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường sống cho trẻ: Cho trẻ tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày; tập thói quen súc miệng với nước muối sinh lý mỗi ngày; tránh để trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác; dọn dẹp không gian sống sạch sẽ, thông thoáng; khử khuẩn các vật dụng cá nhân của trẻ định kỳ.
• Giữ ấm cho trẻ đúng cách: Nhiệt độ quá lạnh khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh hô hấp hơn, do đó, cần giữ ấm cho trẻ đúng cách. Trẻ nên được mặc ấm, giữ ấm vùng cổ khi vào mùa lạnh. Tránh để trẻ uống nước đá, đặc biệt vào buổi tối. Vào mùa nóng, trẻ cần được hạ nhiệt từ từ trước khi ra ngoài nếu ngồi hàng giờ trong phòng máy lạnh nhằm tránh sốc nhiệt.
• Thực hiện dinh dưỡng đầy đủ: Cho trẻ ăn đầy đủ, tăng cường rau xanh và các loại trái cây tươi nhằm bổ sung vitamin giúp tăng đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày.
• Tạo thói quen khoa học: Trẻ nhỏ cần cân bằng thời gian ăn chơi, ngủ nghỉ, phụ huynh cho trẻ ngủ đúng giờ, tránh thức quá khuya ảnh hưởng sức khỏe. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là điều cần thiết để có sức khỏe tốt và dẻo dai hơn.
• Đưa trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ: Trẻ cần được thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và có can thiệp sớm nếu có vấn đề tiềm ẩn. Cho trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp khi có các dấu hiệu bất thường.
5. Hỗ trợ người bệnh
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Khoa Nhi, Bệnh viện An Việt
Bệnh viện An Việt hỗ trợ tư vấn online hoàn toàn miễn phí. Sẵn sàng lắng nghe, giải đáp mọi thắc mắc về sức khỏe.
Chi phí thăm khám, phẫu thuật đều được bệnh viện công khai rõ ràng, thông báo cụ thể cho bệnh nhân trước khi thực hiện. Do đó, bệnh nhân và người nhà hoàn toàn có thể yên tâm.
Bệnh viện áp dụng thanh toán bảo hiểm và bảo lãnh viện phí, tiết kiệm chi phí tối đa.
——————————————
BỆNH VIỆN ĐA KHOA AN VIỆT
Địa chỉ: 1E Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 1900 28 38 – 0965 98 37 73
Website: www.benhvienanviet.com
Fanpage: https://www.facebook.com/benhvienanviet
Tải APP Bệnh viện An Việt để “Tra cứu kết quả – Đặt lịch khám – Video Call với bác sĩ” và hơn thế nữa : https://onelink.to/pjmasd