Yếu tố nguy cơ bị viêm ống tai ngoài
Ống tai ngoài là phần ống tai từ màng nhĩ đến vành tai, được bao phủ bởi các nang lông và tuyến sản xuất ráy tai. Lớp ráy tai tạo thành hàng rào bảo vệ tự nhiên (môi trường axit), giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong ống tai. Khi lớp biểu mô trong tai bị tổn thương cộng với độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển trong ống tai gây viêm. Viêm ống tai ngoài (otitis externa) là tình trạng ống tai nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc dị ứng da.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm ống tai ngoài như:
Các loại vi khuẩn, phổ biến nhất là trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) và tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus).
Tai thường xuyên ẩm ướt (do bơi lội, tắm, mồ hôi), tạo ra môi trường cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Tai bị chấn thương do tai nạn, trầy xước, lấy ráy tai không đúng cách.
Bệnh da liễu như chàm, vảy nến làm tăng nguy cơ mắc viêm ống tai ngoài.
Người có tiền sử mắc viêm ống tai ngoài.
Người mắc tiểu đường hoặc bệnh gây suy giảm miễn dịch.
Người đang được điều trị ung thư bằng hóa – xạ trị.
Căng thẳng, stress kéo dài.
Triệu chứng phổ biến của viêm ống tai ngoài bao gồm:
Đau tai, cơn đau có thể nặng hơn về đêm hoặc khi chạm vào tai.
Cảm giác ngứa trong ống tai, vành tai.
Chảy dịch, mủ từ tai, dịch thường có mùi hôi.
Giảm thính lực nếu viêm nhiễm xâm lấn đến chuỗi xương con hoặc màng nhĩ.
Viêm tuyến mang tai gây sưng mặt, đẩy vành tai lên cao.
Sốt cao trên 38,5 độ C.
Trong trường hợp viêm ác tính, viêm nhiễm có thể lây lan đến các dây thần kinh sọ, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khoảng 10% dân số thế giới mắc viêm ống tai ngoài ít nhất một lần trong đời. Bệnh có thể biểu hiện ở dạng cấp tính, mạn tính hoặc ác tính. Viêm tai ngoài dễ xảy ra ở trẻ từ 7-14 tuổi, người lớn tuổi, hoặc người đang gặp tình trạng suy giảm miễn dịch.
Cách điều trị viêm ống tai ngoài
Viêm ống tai ngoài là một tình trạng phổ biến có thể biểu hiện ở dạng cấp tính, mạn tính, hoặc ác tính. Việc chẩn đoán dựa trên thăm khám lâm sàng, nội soi tai, và đôi khi chụp CT để xác định mức độ và loại bệnh. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết các phương pháp điều trị cho từng dạng viêm ống tai ngoài.
1. Điều trị viêm ống tai ngoài cấp tính
Viêm ống tai ngoài cấp tính thường kéo dài dưới 3 tuần và trong nhiều trường hợp, có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu cần điều trị, bác sĩ có thể áp dụng:
Làm sạch tai: Rửa tai bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch có tính axit nhẹ để ngăn vi khuẩn phát triển.
Dùng thuốc giảm đau: Các loại thuốc như paracetamol hoặc ibuprofen giúp giảm đau hiệu quả.
Thuốc kháng sinh tại chỗ: Sử dụng thuốc kháng sinh nhỏ tai. Trong một số trường hợp nặng hơn, có thể dùng kháng sinh đường uống.
Viêm ống tai ngoài cấp tính không biến chứng thường cải thiện trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu dùng kháng sinh. Nếu đau kéo dài quá 72 giờ hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh cần tái khám để đánh giá lại tình trạng.
2. Điều trị viêm ống tai ngoài mạn tính
Viêm ống tai ngoài mạn tính được xác định khi tình trạng viêm kéo dài trên 3 tháng hoặc tái phát ít nhất 4 lần trong một năm. Nguyên nhân có thể do viêm cấp tính tiến triển hoặc liên quan đến các bệnh suy giảm miễn dịch và da liễu.
Các phương pháp điều trị bao gồm:
Thuốc kháng sinh đường uống kết hợp với các loại thuốc nhỏ tai như polymyxin B, neomycin, hydrocortisone, ofloxacin,…
Làm sạch tai: Loại bỏ mô viêm, nấm trong ống tai.
Điều trị các bệnh liên quan: Kiểm soát các bệnh như tiểu đường hoặc các bệnh da liễu liên quan.
Phẫu thuật mở rộng ống tai: Áp dụng trong trường hợp viêm nhiễm gây chít hẹp ống tai.
Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc đúng liều lượng và lưu ý phòng ngừa tái phát bằng cách tránh các yếu tố gây bệnh.
3. Điều trị viêm ống tai ngoài ác tính
Viêm ống tai ngoài ác tính là tình trạng nghiêm trọng, có thể gây nhiễm trùng lan rộng hoặc hoại tử mô. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi mắc tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch.
Phương pháp điều trị gồm:
Kháng sinh liều cao: Sử dụng qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch kéo dài 4-6 tuần.
Thuốc kháng sinh nhỏ tai: Kết hợp vệ sinh tai đều đặn và đặt gạc thuốc (meche) để thuốc tiếp cận vùng viêm hiệu quả.
Phẫu thuật: Áp dụng nếu có mô hoại tử nặng, cần loại bỏ.
Kiểm soát bệnh lý liên quan: Duy trì đường huyết ổn định và điều trị các yếu tố nguy cơ khác.
Điều trị viêm ống tai ngoài phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp phòng ngừa tái phát, sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục và duy trì sức khỏe tai tốt.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ thường xuyên thực hiện kiểm tra cận lâm sàng và hình ảnh học để đánh giá mức độ đáp ứng của điều trị. Viêm ống tai ngoài ác tính có thể gây tử vong, thế nên, người bệnh phải tuyệt đối tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ.
Nếu gặp một hoặc nhiều triệu chứng viêm ống tai ngoài, hãy đến Bệnh viện đa khoa An Việt để được thăm khám kịp thời, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng. Tại Bệnh viện An Việt, bệnh nhân sẽ được thăm khám và điều trị bởi đội ngũ chuyên gia- y bác sỹ đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em- Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, hiện đang là giám đốc Bệnh viện đa khoa An Việt với gần 40 năm kinh nghiệm.
—————————-
BỆNH VIỆN ĐA KHOA AN VIỆT
Địa chỉ: 1E Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 1900 28 38 – 0965 98 37 73
Website: www.benhvienanviet.com
Fanpage: https://www.facebook.com/benhvienanviet
Tải APP Bệnh viện An Việt để “Tra cứu kết quả – Đặt lịch khám – Video Call với bác sĩ” và hơn thế nữa : https://onelink.to/pjmasd